Chính quyền điện tử không chỉ còn là mô hình trong lý thuyết mà đang được nhiều địa phương hiện thực hóa bằng những kế hoạch, hành động cụ thể.
Rất cần có chiến lược phát triển địa phương để các tỉnh, thành phố cùng thống nhất nhận thức, hành động trong tiến trình xây dựng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Tín hiệu đáng mừng
Gần đây, khá nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã triển khai những hoạt động nhằm hiện thực hóa mô hình này.
Tháng 7/2012, Ninh Bình công bố mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đưa Ninh Bình trở thành tỉnh có mô hình tiên tiến về ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là CNTT-TT. Tạo cơ sở tiến tới xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử tại Ninh Bình.
Tháng 8/2012, UBND tỉnh Điện Biên thông qua đề án Xây dựng chính quyền điện tử đến năm 2015 và định hướng đến 2020. Trong đó, xác định giai đoạn 2012 – 2015, tỉnh sẽ đầu tư khoảng 94 tỷ đồng để bước đầu xây dựng, hình thành mô hình. Dự kiến đến 2015 sẽ cơ bản xây dựng hạ tầng CNTT đủ khả năng vận hành các hệ thống thí điểm, hình thành những mô hình công sở, văn phòng điện tử, hình thành các doanh nghiệp, trường học, bệnh viện và cộng đồng điện tử.
Cũng trong tháng 8, Sở TT&TT Hải Phòng tổ chức hội thảo Xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hải Phòng, gợi mở lộ trình hướng đến giải pháp thành phố thông minh, hiện đại. Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đan Đức Hiệp nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2020, Hải Phòng sẽ cơ bản xây dựng được chính quyền điện tử, công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử và phát triển thương mại điện tử.
Gần đây nhất, tháng 11/2012, Sở TT&TT Bình Dương tổ chức hội thảo “Xây dựng chính quyền điện tử trên điện toán đám mây” cho các lãnh đạo, chuyên viên phụ trách CNTT đang công tác tại các sở, ngành, UBND huyện, thị, các doanh nghiệp… Tại hội thảo, các đơn vị phối hợp đã giới thiệu những tiện ích và lộ trình ứng dụng điện tử đám mây trong mô hình này.
Địa phương đang được coi là “cánh chim đầu đàn” của việc hiện thực hóa mô hình này là thành phố Đà Nẵng. Với dự định đưa Đà Nẵng trở thành thành phố điện tử đầu tiên ở Việt Nam, lãnh đạo thành phố đã mạnh tay “duyệt chi” tới 4 triệu USD để đầu tư xây dựng hệ thống điều hành thông minh tại Trung tâm Giao dịch CNTT-TT.
Giám đốc Sở TT&TT TP.Đà Nẵng Phạm Kim Sơn khẳng định: Hệ thống thiết bị điện tử tại trung tâm điều hành này được ví là “bộ não thông minh” của chính quyền điện tử Đà Nẵng; sẽ lưu trữ, xử lý và cung cấp toàn bộ dữ liệu cho các cơ quan chính quyền dựa trên nền tảng điện toán đám mây, đồng thời cung cấp dịch vụ hạ tầng cho các doanh nghiệp. Dự kiến, cỗ máy điện toán thông minh này sẽ hoạt động từ tháng 3/2013.
Dù ở mỗi địa phương, việc hiện thực hóa mô hình, đang được tiến hành ở những mức độ, phạm vi khác nhau. Song các địa phương đều cùng chung cách hiểu chính quyền điện tử là một mô hình chính quyền hiện đại, giúp tăng hiệu quả làm việc và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan công quyền; tăng khả năng tiếp cận và đối thoại với chính quyền của người dân, doanh nghiệp (bên cạnh những cách thức truyền thống như gặp trực tiếp, qua điện thoại, qua máy fax,… còn có thể truy cập các dịch vụ công trực tuyến, kiến nghị, góp ý về các quy định pháp luật thông qua các diễn đàn trên mạng hoặc các trang/cổng thông tin điện tử,…); giảm chi phí thực hiện các hoạt động hành chính công;…
Thách thức cần vượt qua
Vì không có quy định cứng về thời điểm cũng như mô hình triển khai chính quyền điện tử nên đã xảy ra tình trạng mỗi địa phương tự mày mò, nghiên cứu, tham khảo và triển khai dẫn tới khó liên kết, liên thông với các địa phương, Bộ, ngành khác. Với sự tư vấn của nhiều nhà cung cấp, các địa phương đang triển khai nhiều hệ thống CNTT để xây dựng chính quyền điện tử khác nhau, không có chuẩn chung – hệ quả là khó kết nối liên thông để xây dựng Chính phủ điện tử.
Đáng chú ý, các địa phương đều nhận định rằng tại thời điểm này, việc xây dựng chính quyền điện tử đang gặp rất nhiều thách thức.
Điển hình nhất là khó khăn về nhân lực. Các cơ quan Nhà nước nói chung và bộ máy công quyền ở các địa phương vẫn đau đầu về nạn “chảy máu chất xám” khi thu nhập của công chức, viên chức quá thấp so với thu nhập của những người làm cho khối doanh nghiệp. Số liệu công bố của Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2010 cho thấy các kỹ sư CNTT mới ra trường có mức lương 1,1 triệu/tháng, trong khi mức lương trung bình của một kỹ sư CNTT mới ra trường làm việc trong ngành công nghiệp phần cứng cao gấp 2,5 lần, và mức lương trung bình của một lập trình viên phần mềm cao gấp 6,1 lần. Một số địa phương như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đã nỗ lực tạo cơ chế hỗ trợ thu nhập cho nhân lực CNTT song hiệu quả chưa cao.
Mặt khác, lãnh đạo tỉnh, thành phố và lãnh đạo phụ trách CNTT ở nhiều tỉnh, thành hầu hết được điều chuyển từ ngành khác và chưa có kiến thức, kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực này nên gặp nhiều khó khăn trong hoạch định chiến lược và chính sách phát triển CNTT.
Còn nhiều bất cập khác có thể là lực cản với tiến trình hiện thực hóa mô hình chính quyền điện tử như hạ tầng CNTT thiếu đồng bộ, bộ máy hành chính có sức ỳ, thiếu kinh phí…
Tại hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ XVI diễn ra ở Đồng Nai hồi tháng 8/2012, các địa phương đã nhìn nhận lại hiện trạng triển khai chính quyền điện tử và rút ra một số bài học kinh nghiệm. Chẳng hạn, thay vì đề ra những mục tiêu quá dài hạn, cần sớm chỉ rõ những bước đi cụ thể trong tương lai gần như: xác định giới hạn của nguồn lực CNTT tại địa phương, ưu tiên ngân sách cho lĩnh vực đào tạo chuyên gia lĩnh vực CNTT, xây dựng chính sách lương bổng đảm bảo yếu tố cạnh tranh giữa Nhà nước và doanh nghiệp; lựa chọn lãnh đạo CNTT cấp tỉnh phải là người có kiến thức chuyên sâu về ứng dụng CNTT và có kinh nghiệm phối hợp tham gia đồng thời giữa nhiều sở/ngành; khuyến khích sự tham gia cung cấp dịch vụ công từ doanh nghiệp và cộng đồng…
Nhằm giúp các tỉnh, thành phố thống nhất nhận thức ban đầu về mô hình thành phần của chính quyền điện tử cấp tỉnh, giảm thiểu sự trùng lặp về nỗ lực và chi phí xây dựng các ứng dụng, dịch vụ và cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng liên thông kết nối và tích hợp giữa các hệ thống thông tin trong chính quyền điện tử cấp tỉnh, tháng 2/2012, Cục Ứng dụng CNTT đã ban hành Văn bản số 270/BTTTT-ƯDCNTT hướng dẫn mô hình thành phần chính quyền điện tử cấp tỉnh.
Trong đó, xác định mô hình của chính quyền điện tử bao gồm các thành phần chính là: Người sử dụng; Kênh truy cập; Giao diện với người sử dụng; Các dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng nghiệp vụ; Lớp tích hợp; Các dịch vụ dùng chung; Cơ sở dữ liệu; Cơ sở hạ tầng; Phần quản lý, các nội dung hỗ trợ tất cả các thành phần trên.
Nội dung đăng trên Báo Bưu điện Việt Nam số 147 ra ngày 7/12/2012