Họp là cần thiết để bàn thảo, để giải quyết một công việc nào đó. Thế nhưng họp quá nhiều thì phải giảm bớt để tránh lãng phí tiền bạc và dành thời gian chỉ đạo cụ thể.
Một vị Bộ trưởng về hưu cho biết, trong 20 năm “tại vị”, tính bình quân mỗi ngày ông họp 1 cuộc thì cũng đã trải qua 7.300 cuộc họp, chưa kể có những ngày nhiều nhất là 5 cuộc.
Có vị lãnh đạo cấp thành phố mỗi năm nhận được 700 giấy mời đi họp ở Trung ương và địa phương, có ngày nhận được 7 giấy mời dự họp.
Nhìn vào bảng lịch công tác của “sếp” trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6 toàn thấy họp và tiếp khách, thậm chí họp cả thứ7 và chủ nhật.
Một Bí thư Đảng uỷ phường dành 72% thời gian làm việc cho việc họp; Chủ tịch UBND phường dành 7/10 ngày cũng là cho việc họp.
Đã có những thống kê cho thấy, trên cả nước mỗi ngày có vài nghìn cuộc họp và tổng chi phí cho các cuộc họp này cũng lên tới vài tỷ đồng.
“Phong bì” của các “sếp” họp trong tháng gấp đến mấy lần lương.Vậy nên mới có những lãnh đạo khi trả lời điện thoại lúc nào cũng có câu: “Tớ đang bận tý, gọi lại sau nhé !”, bởi lúc đó, họ còn đang bận họp nên không thể kịp thời giải quyết công việc của nhân dân.
Tình trạng họp nhiều, họp triền miên được nhắc đến từ hàng chục năm nay và tốn không ít giấy mực, đến nỗi người ta gọi là “loạn họp” hoặc “họp loạn”, nhưng việc giải quyết vấn đề này chưa được thực hiện quyết liệt.
Trên nghị trường Quốc hội gần đây nhất, các đại biểu cũng đã đề nghị cần giảm hội họp để dành thời gian nhiều hơn đi cơ sở.
Thủ tướng Chính phủ hằng năm cũng yêu cầu giảm ngay 10% ngân sách hội thảo, hội nghị, đi nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng hội họp vẫn không thuyên giảm, đến mức, nhiều nơi “lạm phát cấp phó” là do để bố trí họp hành.
Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Bộ tôi có bốn thứ trưởng, phân công đi họp đã là vấn đề rồi. Có nhiều cuộc họp mà để cho cán bộ cấp vụ đi họp thì không được đồng tình…”.
Phải khẳng định rằng, họp là một hoạt động rất cần thiết để bàn bạc và đi đến quyết định các vấn đề lớn của các cơ quan, đơn vị, tổ chức bởi nhiều khi 1 người không thể có cái nhìn toàn diện nên rất cần các ý kiến, góc nhìn khác nhau.
Khi các vấn đề được bàn bạc, trao đổi, tranh luận tại các cuộc họp để đi đến quyết định đúng thì họp có vị trí tối quan trọng trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, có những cuộc họp nội dung mờ nhạt, thậm chí là trùng lặp theo kiểu “đến hẹn lại lên” khiến cả người chủ trì và người tham dự đều chán ngán.
Trong khi đó, có những hội nghị, hội thảo tên gọi thật “vĩ mô”, “hoành tráng” mang cả tính lý luận và thực tiễn nhưng chưa chắc các báo cáo trong đó đã phản ánh đúng thực tiễn do “căn bệnh thành tích” vẫn còn tồn tại ở khắp nơi, như vậy thì làm sao tổng kết được thực tiễn để bổ sung cho lý luận?!
Rồi lại có những hội nghị thuê địa điểm sang, khách sạn 4-5 sao, resort ngoại tỉnh hoặc họp kết hợp với “vui chơi” thườngđược tổ chứcởĐồ Sơn (Hải Phòng) để tổ chức tốn kém cả bạc tỷ mỗi cuộc, trong khi hội trường tại cơ quan, đơn vị hoàn toàn có thể đủ sức phục vụ.
Cũng lại có những địa phương xây dựng cả trung tâm hội nghị hàng nghìn tỷ để phục vụ cho việc họp hành nhưng hiệu quả sử dụng lại thấp gây lãng phí ngân sách và khiến dư luận xôn xao. Một năm có vài cuộc họp, nên phải cho thuê để tổ chức đám cưới hoặc bán…bia hơi. Những cuộc họp như thế chỉ gây lãng phí thời gian, tốn kém cho ngân sách nhà nước và làm cho cán bộ không có thời gian đi cơ sở.Thiếu cơ sở thực tiễn, “xa nhân dân, không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân” là nguyên nhân của bệnh quan liêu đã được Bác Hồ chỉ rõ và khẳng định: “Nếu không lo chữa, thì bệnh quan liêu sẽ đưa bệnh nhân đến chỗ hoàn toàn bị đào thải”.Cuộc sống muôn hình muôn vẻ, luôn luôn đặt ra những vấn đề mới, nóng bỏng ở cơ sở đòi hỏi mỗi cán bộ cần tăng cường hơn nữa đi công tác cơ sở, lắng nghe ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân, trực tiếp tham gia tổng kết thực tiễn để có những quyết định sát với thực tiễn, sát với cuộc sống hơn. Muốn như vậy, chỉ có quyết tâm giảm hội họp thì mới có nhiều thời gian cho cơ sở, cho nhân dân và đồng thời khắc phục bệnh quan liêu, hình thức. Đây cũng là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công công cuộc cải cách hành chính công mà chúng ta đang tiến hành. Đất nước ta trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với việc ứng dụng công nghệ cao, có nhiều cách để thể hiện ý kiến cá nhân, trình bày quan điểm hoặc báo cáo cấp trên, chỉ đạo cấp dưới. Nhiều cuộc họp trực tuyến, online được tổ chức đem lại hiệu quả cao và giảm được đáng kể chi phí cho việc ăn ở, đi lại. Với những nội dung đơn giản hơn, các thành viên hoàn toàn có thể gửi những ý kiến tham luận, góp ý… đến lãnh đạo qua hòm thư điện tử, và khi trao đổi lại, lãnh đạo cũng sử dụng phương pháp trên mà không cần phải tổ chức hội họp. Trên thực tế, có nhiều lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức họp ít, nhưng giao việc đến nơi, đến chốn và kết quả công việc chính là báo cáo thực tế nhất về năng lực và chất lượng của cán bộ mà không cần phải thông qua bất cứ cuộc họp báo cáo thành tích và bình bầu nào. Phải chăng, sự gương mẫu của người đứng đầu chính là yếu tố quan trọng, quyết định để làm thay đổi tư duy hội họp ở mỗi cơ quan, đơn vị?!
Nguồn: Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam