Theo ICTnews – Với 63/63 tỉnh thành đã có website, hầu hết thủ tục hành chính được đưa lên mạng, số lượng dịch vụ công mức 3 – 4 ngày càng tăng, nhiều giải pháp hiệu quả xuất phát từ các tỉnh thành… việc ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước đang đạt nhiều kết quả cao.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng thăm gian trưng bày về ứng dụng CNTT của Chi cục thuế Đồng Nai. |
Nhiều kết quả đáng khích lệ
Tại Hội thảo hợp tác phát triển CNTT – TT Việt Nam lần thứ XVI với chủ đề “Phát triển, kết nối và thu hẹp khoảng cách số hướng đến chính quyền điện tử” do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 24/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, với lợi thế là một quốc gia có dân số trẻ, số người sử dụng Internet đông đảo, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, việc ứng dụng và phát triển CNTT của Việt Nam những năm qua đã đạt được một số thành tích đáng ghi nhận.
Năm 2011, tổng doanh thu toàn ngành CNTT-TT đạt 20 tỷ USD, cả nước có 29/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63/63 tỉnh, thành phố có Trang/Cổng thông tin điện tử. Các cơ quan Trung ương, địa phương đã triển khai được hơn 94.000 dịch vụ công mức 1 và 2, gần 900 dịch vụ công mức 3 và 11 dịch vụ công mức 4. Năm 2012, Chính phủ điện tử Việt Nam được Liên hiệp quốc xếp hạng 83/190 nước trên thế giới, tăng 7 bậc so với năm 2010.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng cục Ứng dụng CNTT cũng chia sẻ việc ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước ngày càng phát triển khi hầu hết thủ tục hành chính được đưa lên mạng, những dịch vụ công trực tuyến 3 và 4 được triển khai sâu rộng tại các địa phương. Điển hình như tại Sở TT&TT TPHCM, với dịch vụ Cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh mức độ 4, tỷ lệ xử lý qua mạng lên tới 99,9% hay Dịch vụ kê khai thuế và nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 4 của Bộ Tài chính có tỷ lệ xử lý qua mạng đạt 100%… Cũng theo ông Phúc, tỷ lệ cán bộ thường xuyên sử dụng email tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ lên tới 88,7%; ở các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương là 67%. Ứng dụng CNTT đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Bên cạnh số liệu được Bộ TT&TT công bố, nhiều địa phương cũng báo cáo những kết quả đáng khích lệ trong việc ứng dụng CNTT. Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN Đồng Nai cho biết, xác định CNTT là mũi nhọn cộng với sự quyết liệt của lãnh đạo, nhiều ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước đã phát huy hiệu quả cao như: quản lý điều hành theo mô hình văn phòng điện tử, quản lý thuế của Chi cục thuế Đồng Nai, quản lý công tác thanh tra, quản lý nhãn hiệu hàng hóa, hải quan điện tử… tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian và giảm bớt tình trạng hội họp.
Còn tại Đà Nẵng, ông Phạm Kim Sơn – Giám đốc Sở TT&TT cho biết, thành phố đã đầu tư mạnh về hạ tầng cũng như các giải pháp, nguồn nhân lực CNTT… trong các cơ quan Nhà nước. Hiện tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 1/1, trên số hộ dân đạt 0,5 máy/hộ; 100% cơ quan Nhà nước có mạng LAN, 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức 2, 92 dịch vụ mức 3 và 6 dịch vụ mức 4…
Bên cạnh đó, tỉnh Trà Vinh thành công với ứng dụng quản lý văn bản và điều hành, gửi nhận văn bản điện tử từ tỉnh đến huyện; Bà Rịa – Vũng Tàu cũng triển khai thành công các phần mềm dùng chung Chính phủ điện tử…
Tiến tới xóa bỏ những rào cản
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng cục Ứng dụng CNTT, việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước cũng còn những tồn tại như: một số lãnh đạo đơn vị chưa thường xuyên sử dụng email, hệ thống email của nhiều đơn vị chưa được quản lý chuyên nghiệp; công tác quản lý văn bản điều hành vẫn hạn chế khi hệ thống tại địa phương không kết nối trao đổi văn bản được với một số Bộ, ngành, địa phương khác…
Ông Phùng Văn Ổn – Giám đốc Trung tâm tin học Văn phòng Chính phủ, Phó chủ tịch Hội Tin học Việt Nam nhận định rằng, so với yêu cầu đặt ra, nhiều cơ quan Nhà nước chưa tận dụng hiệu quả những điều kiện hiện có để tạo nên một môi trường làm việc hiện đại, minh bạch; giảm giấy tờ và tiết kiệm chi phí, thời gian. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thư điện tử nhưng phần lớn văn bản vẫn được trao đổi bằng hình thức giấy tờ truyền thống gây lãng phí, công tác điều hành qua mạng của lãnh đạo các cấp ít được thực thi.
Để cải thiện tình trạng đó theo ông Phùng Văn Ổn, quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của lãnh đạo các đơn vị, phải hành động quyết liệt hơn thì công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước mới thực sự thành công.
Nguồn: ICTnews