Phiên xét xử trực tuyến được tổ chức trong bối cảnh bị cáo ở trại tạm giam, người liên quan ở một điểm cầu khác còn Hội đồng xét xử điều hành, tuyên án từ trụ sở tòa án.
Ngày 8/1, TAND Tối cao tổ chức kết nối, giám sát 3 phiên tòa trực tuyến tại Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Giang. Đây là lần đầu tiên hình thức xét xử trực tuyến được áp dụng.
Tại đầu cầu Bắc Giang, tòa án tỉnh này xét xử bị cáo Nguyễn Văn Tuấn, 27 tuổi, về tội Cướp giật tài sản. Anh ta bị VKS cáo buộc tối 26/9/2021 giật túi xách của cô gái 20 tuổi, trong chứa điện thoại cùng nhiều đồ đạc.
Phiên xét xử trực tuyến được tổ chức ở 3 điểm cầu gồm HĐXX ở TAND tỉnh Bắc Giang; bị cáo Tuấn hầu tòa từ Trại tạm giam Công an tỉnh; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ở điểm cầu TAND huyện Tân Yên.
Chủ tọa phiên tòa đã điều hành, xét hỏi và cho các bên tranh luận trực tuyến; không gặp trục trặc nào về đường truyền, kết nối. Tại tòa, bị cáo nhận tội và bị tuyên 3 năm 3 tháng tù.
Chuẩn bị trước phiên xét xử trực tuyến trên, TAND tỉnh Bắc Giang đã 2 lần diễn tập trong các ngày 23-24/12/2021. Tỉnh cũng lắp đặt hệ thống phục vụ xét xử online tại các trụ sở tòa án cùng trại tạm giam của công an.
Hai phiên tòa trực tuyến khác diễn ra trong sáng 8/1 gồm: TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm bị cáo Phạm Tiến Giang, đã bị tuyên sơ thẩm 2 năm tù về tội Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ; TAND TP Hải Phòng xử một phụ nữ kiện quyết định hành chính về bồi thường đất của UBND huyện Thủy Nguyên.
Tất cả phòng xét xử trực tuyến trong 3 vụ án trên được lắp đặt camera quét nhiều góc độ, thiết bị giải mã hình ảnh, trình chiếu tài liệu, thiết bị lưu điện, đường truyền mạng riêng kết nối thẳng về TAND Tối cao.
Hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến được đưa vào sử dụng này là phần mềm Hội nghị truyền hình TrueConf, hệ thống này có các chức năng như: Quản lý thông tin, hồ sơ vụ án; điều khiển thiết bị camera, âm thanh, trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; chức năng quay video toàn bộ diễn biến phiên tòa; chuyển đổi giọng sang văn bản để hỗ trợ Thư ký ghi biên bản phiên tòa.
Cũng trong sáng 8/1, TAND Tối cao còn khánh thành Trung tâm giám sát, điều hành, phầm mềm trợ lý ảo cho thẩm phán, nền tảng xét xử trực tuyến.
Dự khánh thành và theo dõi các phiên tòa trực tuyến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, đây là giải pháp kịp thời, phù hợp và hiệu quả để chủ động thích ứng an toàn với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng tại tòa.
Trước đó năm 2021, Quốc hội ra Nghị quyết 33/2021 cho phép xét xử trực tuyến, trừ vụ liên quan bí mật Nhà nước; nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia; nhóm tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Theo Nghị quyết, phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng; cho phép bị cáo, bị hại, đương sự tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi, tham gia đầy đủ cùng một thời điểm.
[Nguồn: https://vnexpress.net/lan-dau-tien-xet-xu-truc-tuyen-4413825.html]